10/05/20145 : Căng thẳng trên Biển Đông kỳ 2 (Nguyễn Văn Huy tổng hợp)


Giàn khoan Hải Dương HD-981
Báo chí tại Việt Nam cho biết ngày hôm qua 09/05/2014, Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu, trong đó có các tàu quân sự, và hàng chục tốp máy bay hoạt động tại khu vực đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển của Việt Nam.
Trang thông tin VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định với Thông tấn xã Việt Nam : "Tình hình khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp".
Tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết, chiều ngày 09/05, Trung Quốc đã sử dụng 79 tàu, trong đó có 3 tàu quân sự có trang bị tên lửa,vào bảo vệ khu vực có giàn khoan HD-981. Cùng lúc đó, Trung Quốc còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trong khu vực nói trên. Nghiêm trọng hơn, theo vị Tư lệnh Cảnh sát biển, "các tàu Trung Quốc rất hung hăng, ngang ngược và chủ động va chạm với các tàu Việt Nam ra làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trong khu vực".

Trang tin VnExpress cho biết thêm, các lực lượng chấp pháp Việt Nam gồm cảnh sát biển, kiểm ngư thực thi các biện pháp quản lý tại vùng biển trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trang thông tin VnExpress dẫn lời một lãnh đạo của Cục kiểm ngư Việt Nam đóng tại Đà Nẵng hôm qua (09/05) cho hay "Cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam vẫn thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Tình hình đang diễn biến quyết liệt, có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương do va chạm với tàu Trung Quốc".
Anh Vũ (RFI)
'Trung Quốc điều nhiều tốp phi cơ ra giàn khoan'(BBC, 10/05/2014)
Trung Quốc điều 'hàng chục tốp máy bay' đến khu vực giàn khoan HD-981 trên Biển Đông, theo truyền thông Việt Nam, trong lúc có tin diễn ra biểu tình chống Trung Quốc ở một số nơi tại Việt Nam.
Hôm 10/5/2014, tờ báo điện tử VnExpress của Việt Nam cho hay ngoài các phi cơ 'tuần tiễu', phía Trung Quốc tiếp tục điều 'tàu quân sự' ra khu vực giàn khoan được hạ đặt.
"Không chỉ điều hàng chục tốp máy bay tuần tiễu, Trung Quốc còn đưa 79 tàu, trong đó có tàu quân sự ra ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam trong khu vực đặt giàn khoan trái phép", VnExpress.net nói.
Cùng ngày, tờ Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn lời lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam khẳng định 'tình hình vẫn diễn biến phức tạp'.
"Tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 9/5, Trung Quốc vẫn sử dụng tới 79 tàu thuộc 6 lực lượng hoạt động tại khu vực", Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam được tờ báo Quân đội dẫn lời nói.
"Đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc sử dụng 3 tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753. Cùng với đó là 39 tàu chấp pháp, gồm 36 tàu hải cảnh và 3 tàu hải tuần, còn lại là tàu vận tải, tàu dịch vụ dầu khí và tàu cá".
"Hành động của phía Trung Quốc rất chủ động, chuẩn bị phương án rất kỹ và luôn bố trí trên 70 tàu ở khu vực này", Tướng Đam nói thêm.
Trước đó, hôm 8/5, Trung Quốc đã mở họp báo về vụ căng thẳng giàn khoan và đưa ra cáo buộc nói các tàu của mình đã "bị các tàu Việt Nam đâm húc 171 lần trong 5 ngày".
Hôm thứ Năm, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói :
"Chính tàu Việt Nam đã khiêu khích chuyện này. Chính tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc".
Ông Dịch Tiên Lương còn nói trong vòng 5 ngày, Việt Nam đã điều '35 tàu, đâm cản tàu Trung Quốc 171 lần' và cáo buộc trong số tàu Việt Nam 'có tàu vũ trang', trong khi về phía Trung Quốc 'chỉ có tàu dân sự' hoặc 'tàu công vụ không vũ trang'.
'Giải tán, ngăn chặn'
Cuộc 'biểu tình chống Trung Quốc sáng 10/5 ở Sài Gòn đã 'nhanh chóng giải tán'.
Hôm thứ Bảy, có tin diễn ra một số cuộc 'diễu hành, phản đối' Trung Quốc liên quan vụ giàn khoan HD-981 ở vài nơi tại Việt Nam, trong đó có Sài Gòn và Hà Nội.
Tuy nhiên, một blogger từ Sài Gòn phản ánh rằng kế hoạch dự kiến 'diễu hành' với khoảng một trăm người tham dự đến trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn để phản đối Bắc Kinh 'bành trướng' và 'xâm lược' đã bị nhà chức trách thu giữ 'khẩu hiệu', 'băng cờ' v.v... trước khi nhanh chóng diễn ra và 'giải tán' trước khu vực.
Trước đó, cũng có tin vào chiều ngày 9/5, có 'hàng chục người' tham gia phản đối và 'giăng biểu ngữ' trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.
Trong đó, theo một số bloggers, một số người biểu tình khoác áo đồng phục với dòng chữ No-U, đã 'kêu gọi trả tự do' cho một số bloggers và nhà bất đồng như các ông luật sư Lê Quốc Quân, bà Bùi Minh Hằng và blogger Ba Sàm.
Mặc dù 'có sự xuất hiện đông đảo' của lực lượng an ninh, cuộc biểu tình này đã diễn ra 'khá thuận lợi', theo phản ánh trên mạng xã hội của một số người tham gia.
Sáng 9/5, cũng đã diễn ra một cuộc mít-tinh phản đối Trung Quốc của ngư dân Việt Nam ở huyện đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo truyền thông trong nước.
Buổi mít-tinh phản đối việc Trung Quốc 'đưa giàn khoan xuống gần quần đảo Hoàng Sa' do Nghiệp đoàn nghề cá các xã An Hải và An Vĩnh chủ trì có sự tham gia của gần 800 đoàn viên, vẫn theo truyền thông trong nước.
Có tin, một số cuộc biểu tình, mít-tinh khác tại Việt Nam cũng đã được 'lên kế hoạch' vào ngày Chủ Nhật 11/5.
'Kêu gọi kiềm chế'
'Biểu tình phản đối Trung Quốc' ở Hà Nội chiều 9/5 đã không bị 'can thiệp'.
Vu việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được cho là đang làm nóng lên bầu không khí trong khu vực ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 của các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Asean) sắp nhóm tại Myanmar.
Hôm 9/5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon đã đưa ra lời kêu gọi cả Việt Nam và Trung Quốc có các động thái 'kiềm chế tối đa' nhằm tránh căng thẳng trong khi tìm giải pháp cho vụ tranh chấp.
"Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc", ông Ban Ki-moon được hãng tin AFP hôm thứ Sáu dẫn lời nói.
Thông điệp của ông Ban được đưa ra giữa lúc tàu Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục 'đối đầu' trên biển.
Đại diện Chi đội kiểm ngư 3 của Việt Nam, ông Vương Mạnh Hòa, hôm 9/5 được các báo trong nước dẫn lời cho biết có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương trong các cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc, nâng con số bị thương từ phía Việt Nam lên 9 người từ khi căng thẳng bắt đầu.
Vị trí đối đầu được tin là ở gần giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, hiện đang được đặt ở phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/5, ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết một tàu cá của Quảng Ngãi đã bị hai tàu của Trung Quốc rượt đuổi và đâm trực diện, làm cho hư hỏng nặng khi đang khai thác hải sản gần Hoàng Sa hôm 7/5.
Về phía mình, như tin đã đưa, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của phía Việt Nam và nêu quan điểm cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển 'ngoài khơi Việt Nam' là "hoàn toàn hợp pháp lý và có cơ sở" vì đây là vùng biển "lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc".
"Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chấm dứt quấy rối ngăn cản hoạt động của Trung Quốc và phải rút ngay tàu cùng người khỏi hiện trường", Vụ phó Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dịch Tiên Lương nói hôm thứ Năm.
Trung Quốc tăng cường bảo vệ giàn khoan 981 (RFA, 10/05/2014)
Tình hình tại vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam gần Quảng Ngãi vẫn hết sức căng thẳng, lực lượng 75 tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 đã mở rộng vành đai bảo vệ thêm 8 hải lý. Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, nếu hôm 8/5 bán kính bảo vệ của Trung Quốc là 5 tới 7 hải lý thì đến chiều 9/5 đã mở rộng lên 10 tới 13 hải lý.
Tin cập nhật cho tới 17g ngày 9/5, lực lượng Trung Quốc có 75 tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, đó là các tàu hải giám, hải cảnh có vũ trang và một số tàu vận tải. Ngoài ra phái Trung Quốc còn triển khai 5 tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh ở vòng ngoài, một hình thức đe dọa các tàu Cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam.
Một tuần lễ trôi qua, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam dù chịu nhiều tổn thất nhưng không thể vượt qua vành đai bảo vệ giàn khoan của gần 80 tàu vũ trang của Trung Quốc. Nhiều tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm thủng thiệt hại nặng cũng như bị xịt vòi rồng cực mạnh đến vỡ buồng lái. Đã có 9 nhân viên kiểm ngư của Việt Nam bị thương trong trận đấu chưa có tiếng súng nhưng đầy cam go này.
Các chuyên gia về Luật Biển phân tích, định vị giàn khoan tức thả neo trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước vi phạm thứ nhất. Khi lưỡi khoan thăm dò của Hải Dương 981 đụng đến đáy biển vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì đây là bước thứ hai và cụ thể về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam. Nếu Việt Nam thất bại trong việc đẩy gian khoan Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình thì tương lai mất biển đang đến gần hơn.
'Cần ủng hộ nhà nước về chủ quyền'(BBC, 09/05/2014)
Giáo sư Tương Lai cho rằng đây là lúc cần tập trung hậu thuẫn tuyên bố về chủ quyền của nhà nước và tránh đưa những vấn đề khác vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Trả lời BBC ngày 9/5, ông cho biết nhóm của ông bao gồm 54 nhân sỹ trí thức sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh vào sáng 11/5 trước Nhà Hát Lớn, TP.HCM, để phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan xuống gần quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết cuộc mít-tinh này không liên quan đến lời kêu gọi biểu tình của 20 tổ chức dân sự được đưa ra trước đó.
Thông báo hôm 2/5 do 20 hội, nhóm dân sự độc lập ở Việt Nam cùng đứng tên ngoài việc kêu gọi người dân ở Hà Nội và TP.HCM biểu tình "phản đối và lên án hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc", còn có mục đích phản đối chính quyền và kêu gọi trả tự do cho các blogger và những công dân "đang bị bỏ tù vì bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lược".
"Nhà nước, qua đại diện là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, ra tuyên bố đanh thép phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc và tiếp đó, tổ chức họp báo chính thức lên án giàn khoan đó", Giáo sư Tương Lai nói.
"Các chiến sỹ của ta cũng đang kiên cường trụ vững, không cho kẻ cướp làm càn".
"Lúc này, mỗi một người Việt Nam yêu nước phải đứng đằng sau tuyên bố của nhà nước, đứng sau các chiến sỹ của chúng ta, chứ lúc này lại đưa các vấn đề khác ra để làm loãng mục tiêu đi, thì đó là một sai lầm về chính trị".
"Sáng sớm hôm qua, tôi đã gọi điện ra Hà Nội để phản đối quyết liệt nội dung [lời kêu gọi biểu tình của các tổ chức dân sự] đó".
'Đã đến lúc tứ trụ của Việt Nam lên tiếng ?' (BBC, 10/05/2014)
Vụ xung đột do giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đã đủ 'hệ trọng' để 'tứ trụ triều đình' lãnh đạo Việt Nam lên tiếng trước dân, theo ông Trần Tiến Đức.
Đã tới lúc tứ trụ lãnh đạo của Đảng và nhà nước Việt Nam phải lên tiếng trước dân về vụ dàn khoan HD-981 và Trung Quốc 'gây hấn' trong khu vực Hoàng Sa, theo một nhà bình luận từ trong nước.
Trả lời phỏng vấn BBC hôm 10/5/2014 từ Hà Nội, ông Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam, nguyên chuyên viên Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), nói :
"Người dân chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc những người lãnh đạo cao nhất... là 'tứ trụ triều đình' phải lên tiếng...
"Mọi người rất phẫn uất và rất là bất bình trước việc các nhà lãnh đạo của Việt Nam chưa có một ý kiến nào chính thức,
"Rất đáng buồn rằng ngay cả ông Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền trong bài diễn văn của Hội nghị Trung ương vừa mới họp ngày hôm qua, cũng không có một lời nào lên án hành động xâm lược của Trung Quốc..".
'Hết sức đáng buồn'
Nhà bình luận tỏ ra băn khoăn về cách thức ứng xử của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong sự việc, ông đặt câu hỏi :
"Chả nhẽ các vị lãnh đạo chỉ biết đọc những bài diễn văn đã viết sẵn, mà không biết phản ứng, không biết thể hiện được những quan điểm của mình, để đáp ứng lại những tình cảm của người dân ?
"Tôi nghĩ rằng đấy là một điều hết sức đáng buồn cho người Việt Nam".
Mở đầu cuộc trao đổi hôm thứ Bảy, ông Trần Tiến Đức bình luận về động thái được cho là thay đổi bước ngoặt của chính quyền Việt Nam khi đã không trấn áp hoặc ra tay đàn áp, giải tán hai cuộc biểu tình phản đối 'tự phát' chông giàn khoan HD-981 của người dân trước Tòa Đại sứ và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn trong hai hôm thứ Sáu và thứ Bảy tuần này.
"Theo ý kiến của tôi, chắc chắn việc người dân được biểu tình một cách tương đối là tự do, mà không bị lực lượng an ninh hoặc công an ngăn cấm, thì chắc chắn đó là có chủ trương của nhà nước", ông nói với BBC từ Hà Nội.
Hội nghị 9 cần bàn về giàn khoan 981' (BBC, 09/05/2014)
Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhóm họp ở Hà Nội nên thảo luận và đưa ra quan điểm rõ ràng về sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, theo một nhà quan sát từ Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn BBC hôm 09/5, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia bang giao quốc tế từ Đại học George Mason, cho rằng sự kiện giàn khoan của Trung Quốc là một diễn biến hệ trọng với an ninh của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu, chắc chắn trong Trung ương Đảng sẽ có ý kiến được đặt ra về vấn đề này.
Theo Giáo sư Hùng, lâu nay Việt Nam được cho là thiếu một sự lãnh đạo thống nhất từ trên và đây là một khó khăn của việc lập chính sách chiến lược của Việt Nam.
'Chuẩn bị lập trường'
Chưa có lãnh đạo cao cấp nhất nào của Đảng và chính quyền Việt Nam lên tiếng về vụ giàn khoan của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu cho rằng kỳ họp ngoài những nội dung mà công luận đã biết trước và Đảng đã thông cáo, sẽ phải chuẩn bị rõ những nội dung về mặt lập trường để ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày trước Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 sắp nhóm tới đây tại Myanmar.
Giáo sư Hùng đồng ý với một quan điểm trong giới quan sát quốc tế cho rằng vụ giàn khoan của Trung Quốc là một phép thử đối với khối Asean, thế nhưng ông cho rằng từ trước tới nay Asean vẫn 'thiếu thống nhất' theo lối mà ông gọi là 'đồng sàng dị mộng'.
Và đây là một trong các lý do mà theo ông Hùng, Trung Quốc đang cố tận dụng.
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC hôm thứ Sáu, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi đâu là nội dung thực của Hội nghị Trung ương 9 lần này của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông cũng đề cập trong các trả lời một số vấn đề liên quan tới cuộc tập trận Nga - Trung mà ông tin là sẽ vẫn được tiến hành, cũng như động thái tới đây của Mỹ với sự kiện đang nóng lên ở Biển Đông.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng đã sẵn sàng ra biển(TTXVN, 10/05/2014)
Tàu CSB 4033 đã được sửa chữa, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ
Hai tàu Cảnh sát biển 2012 và 4033 của Việt Nam đã có thể sẵn sàng lên đường ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Ngày 10/5, hai tàu Cảnh sát biển 2012 và 4033 của Việt Nam, bị hư hại do tàu Trung Quốc đâm khi ngăn cản Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, đã được các kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa các hư hại.
Hiện hai tàu này đã có thể sẵn sàng lên đường ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Trước đó, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 bất hợp pháp, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Trung Quốc cũng điều động nhiều tàu tham gia bảo vệ cho giàn khoan này, lúc cao điểm lên tới 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu Hộ vệ Tên lửa 534 và tàu Tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753 ; cùng 33 tàu Hải cảnh, Hải giám, Ngư chính ; và các tàu vận tải, tàu cá.
Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50-60 hải lý.
Khi lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, tàu Trung Quốc còn chủ động đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam, làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam.
Trung Quốc vẫn sử dụng 79 tàu và cho máy bay bay sát 200m đe dọa tàu Việt Nam (QĐND, 10/05/2014)
Ngày 9/5/2014, tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.
Trước hành động hạ đặt giàn khoan HD-981 và khiêu khích, gây căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc, chiều 9-5, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã trao đổi với phóng viên một số cơ quan báo chí về tình hình và diễn biến của vụ việc.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm
Phóng viên (PV) : Thưa đồng chí Tư lệnh, đề nghị đồng chí cho biết tình hình và diễn biến của vụ việc trong ngày 9-5 ?
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm : Tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 9-5, Trung Quốc vẫn sử dụng tới 79 tàu thuộc 6 lực lượng hoạt động tại khu vực. Đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc sử dụng 3 tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753. Cùng với đó là 39 tàu chấp pháp, gồm 36 tàu hải cảnh và 3 tàu hải tuần, còn lại là tàu vận Như vậy, lực lượng của Trung Quốc rất đông. Hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được Trung Quốc lên kế hoạch kỹ, sử dụng số lượng lớn tàu các loại, thường 70 đến 80 tàu mỗi ngày. Hành động khiêu khích của họ rất ngang ngược, thô bạo, tàu Trung Quốc chủ động đâm va, gây thiệt hại cho tàu kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi luật pháp trên vùng biển Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc sử dụng tàu quân sự vào hành động khiêu khích này. Khi tàu thực thi pháp luật của ta tiến vào ngăn chặn thì họ hung hãn đâm va gây thiệt hại cho tàu của ta, đồng thời phát các nội dung tuyên truyền có tính hăm dọa. Chúng tôi có hình ảnh rõ ràng, chân thực để chứng minh các hành động của họ.
PV : Những hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng thế nào đến chủ quyền của Việt Nam và an ninh hàng hải trong khu vực, thưa đồng chí ?
Nguyễn Quang Đạm : Việc hạ đặt giàn khoan HD-981 cũng như các hành động khiêu khích, gây căng thẳng của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây. Trước đó, Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động vi phạm luật pháp Việt Nam và Luật quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhưng đây là vi phạm nghiêm trọng nhất. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và số lượng lớn tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và tuyên bố 6 điểm của ASEAN.
Điều đáng nói là hành động của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh hàng hải. Nếu như xem clip do chúng tôi quay được, các bạn sẽ thấy cả tàu công-ten-nơ, tàu hàng hải đi qua khu vực tàu Trung Quốc đang đâm va vào tàu Việt Nam. Chúng tôi rất lo ngại về tình hình này. Đây là điều mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế không mong muốn. Thử đặt câu hỏi, nếu điều này vẫn tiếp diễn thì tình hình sẽ ra sao, chắc chắn an ninh cho tàu thuyền qua lại khu vực này sẽ bị ảnh hưởng lớn.
PV : Trước các hành động của Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã làm gì và sẽ làm gì để thực thi chức năng, nhiệm vụ ?
Nguyễn Quang Đạm : Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam gồm Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã triển khai các biện pháp thực thi pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi thực hiện với tinh thần vững vàng nhất, quyết tâm cao nhất để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, thể hiện mình là lực lượng thực thi pháp luật để Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, tôn trọng những điều ước quốc tế mà Việt Nam và Trung Quốc đã công nhận và tham gia. Phương châm của chúng tôi là kiên quyết nhưng kiềm chế. Chúng tôi không hề chủ động đâm vào tàu hải quân, hải cảnh, vào các tàu khác của Trung Quốc. Chỉ có phía Trung Quốc đâm vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Chúng tôi có phương tiện đáp trả nhưng đã kìm chế, chủ yếu là tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
PV : Tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 8-5, phía Trung Quốc đã phủ nhận việc họ sử dụng tàu quân sự, đồng thời còn nói rằng, Việt Nam đã điều tàu có vũ trang đâm tàu thuyền Trung Quốc, sử dụng cả lực lượng người nhái và tung lưới cá, vật cản gây nguy hiểm cho tàu của họ. Đồng chí nói gì về điều này ?
Nguyễn Quang Đạm : Những điều phía Trung Quốc nói tại họp báo là không đúng. Về tàu quân sự của Trung Quốc, như tôi đã nói, ngày 9-5, Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu quân sự tại đây, chúng tôi đã quay clip, chụp ảnh 3 tàu quân sự này. Đây là bằng chứng không thể chối cãi. Hình ảnh tàu Trung Quốc chủ động đâm va tàu Việt Nam cũng đã được công bố. Làm sao có thể nói khác được ? Lực lượng tàu của họ bảo vệ giàn khoan rất đông, luôn được chuẩn bị sẵn sàng thay thế nhau hoạt động. Chúng tôi còn phát hiện nhiều tốp máy bay Trung Quốc bay ở độ cao thấp đe dọa tàu Việt Nam, khoảng cách chỉ 200-300m. Tôi cũng xin khẳng định, đến giờ này, tại khu vực chỉ có lực lượng thực thi pháp luật quản lý và bảo vệ vùng biển Việt Nam. Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư chủ yếu đấu tranh bằng tuyên truyền pháp lý, bằng các biện pháp nghiệp vụ và cả biện pháp nhân đạo. Nội dung tuyên truyền là khẳng định với các tàu Trung Quốc trên thực địa đây là vùng biển Việt Nam, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng, rút khỏi vùng này không điều kiện, bỏ ngay hành động hung hăng, ngang ngược, ảnh hưởng đến tài sản và lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm và các cơ quan chức năng thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho biết : Trong những ngày vừa qua, đồng bào cả nước đã hướng về, ủng hộ cả tinh thần và vật chất cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Thay mặt lực lượng, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cảm ơn các tấm lòng nhân dân cả nước đã quan tâm, động viên và ủng hộ. Toàn lực lượng sẽ đoàn kết, cảnh giác, chấp hành nghiêm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực thi pháp luật Việt Nam trên vùng biển của đất nước ; bảo vệ vững chắc chủ quyền, làm mọi biện pháp theo đúng các quy định của pháp luật để bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật quốc gia trên vùng biển Việt Nam.
"Nếu không trừng phạt, Trung Quốc sẽ không có trách nhiệm" (Vietnam+, 10/05/2014)
Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc đã trở thành một đặc điểm cố hữu trong chính sách đối ngoại và bành trướng của nước này.
Tiến sỹ S.D. Pradhan, chuyên gia về Biển Đông có bài bình luận với tựa đề ''Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không ngừng gia tăng'' đăng trên tờ The Time of India, ngày 7/5.
Chính sách bành trướng của Trung Quốc đối với các khu vực láng giềng của nước này được cho là đã làm gia tăng các nguy cơ nghiêm trọng của các cuộc xung đột trên Biển Đông.
Sau khi chiếm được bãi cạn Scarborough Shoal của Philippines và bắt đầu việc xây dựng các công trình, ban hành lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông, hiện tại Trung Quốc đã quyết định bắt đầu tiến hành việc khoan, khai thác dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 3/5/2014, Cơ quan quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc tuyên bố rằng giàn khoan HD-981 sẽ được lắp đặt tại vị trí 15 độ 29 phút 58 giây vĩ độ Bắc và 111 độ 12 phút 06 giây kinh độ Đông từ ngày 2/5/2014 đến ngày 15/8/2014.
Khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, tuyên bố rằng mọi hoạt động thăm dò dầu khí tiến hành trong vùng biển Việt Nam nếu không được sự cho phép của nước này là hoàn toàn bất hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phát biểu như vậy trong một tuyên bố được đăng trên website của chính phủ.
Ngày 4/5/2014, Tập đoàn PetroVietnam cũng đã gửi thư đến Chủ tịch và Tổng giám đốc CNOOC, yêu cầu công ty Trung Quốc ngay lập tức phải dừng mọi hoạt động phi pháp trên và rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tuyên bố rằng việc tiến hành khoan thăm dò trên nằm trong vùng biển Trung Quốc. Những hành động và phản ứng kiểu như như vậy của Trung Quốc đã khiến căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục gia tăng.
Hành xử hung hăng là một phần trong chiến lược của Trung Quốc
Trên thực tế, cách "hành xử hung hăng" hiện tại của Trung Quốc đối với Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc đối với Nhật Bản, những nước có tranh chấp chủ yếu đối với Trung Quốc trên Biển Đông, và với Ấn Độ trong các khu vực lân cận Trung Quốc.
Tại các khu vực trên, những thủ đoạn tương tự cũng đã được tiến hành. Chiến lược trên của Trung Quốc xuất phát từ nhận thức cho rằng các nước láng giềng không thể liên kết lại để chống lại Trung Quốc và sẽ chấp nhận những sự thay đổi trong hiện trạng sau khi có vài tiếng nói phản ứng yếu ớt. Ngoài ra, Trung Quốc hiện tại cho rằng việc chiếm đóng trên thực tế tại các khu vực liền kề là rất quan trọng đối với an ninh nước này.
Chiến lược chính trên của Trung Quốc bao gồm 3 mục tiêu an ninh cốt lõi tại Đông Á : tạo lập sự kiểm soát đối với "các vùng biển gần" và các khu vực biên giới của Trung Quốc ; thúc đẩy sự hội nhập kinh tế khu vực mà Trung Quốc là trung tâm thông qua biện pháp ngoại giao ; bảo vệ và tăng cường các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngay cả khi phải áp dụng các biện pháp vũ lực mạnh mẽ.
Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc đã trở thành một đặc điểm cố hữu trong chính sách đối ngoại và bành trướng của nước này.
Quan điểm cho rằng Trung Quốc cần phải sửa chữa những sự nhẫn nhục trong những thế kỷ qua đã được đặt ở vị trí trung tâm trong việc định hình các chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Người dân và Chính phủ Trung Quốc "cảm thấy" các khu vực kề cận nước này là thuộc về Trung Quốc và phải được chiếm lại.
Khi Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn, Trung Quốc gọi là "Trỗi dậy Hòa bình", chính phủ và người dân nước này nhận thấy sự cần thiết lớn hơn đối với việc Trung Quốc phải quyết đoán hơn trong đòi hỏi chủ quyền đối với các khu vực trên.
Sự nhấn mạnh của Trung Quốc đối với việc hội nhập kinh tế là một phần của việc gia tăng không chỉ sức mạnh kinh tế nước này mà còn nhằm thiết lập bá quyền trong các khu vực kề cận.
Muốn thống trị Biển Đông
Tuy nhiên, đó mới chỉ là mục tiêu trước mắt. Mục tiêu cuối cùng chính là việc thống trị Ấn Độ Dương - mục tiêu đã được Trung Quốc đặt ra từ năm 1984 và để làm được việc đó, sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông là trọng tâm.
Trung Quốc đang có những động thái được tính toán kỹ lưỡng nhằm đạt được những mục tiêu trên. Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp định với Ấn Độ và Việt Nam nhằm duy trì hòa bình tại các khu vực biên giới và trên Biển Đông.
Với Ấn Độ, các hiệp định năm 1993, 1996 và 2005 đã được ký và hai Đại diện Đặc biệt đã liên tục thảo luận vấn đề biên giới giữa hai nước.
Tuy nhiên, mặc dù đã có những thỏa thuận như vậy, sự xâm nhập của Trung Quốc tại các khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã liên tục xảy ra. Đối với Việt Nam cũng vậy, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận với Việt Nam năm 1993.
Năm 2011, một thỏa thuận khác dựa trên các nguyên tắc cơ bản về việc hướng dẫn giải quyết những vấn đề liên quan đến biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết.
Sự hiếu chiến của Trung Quốc đang gia tăng
Tuy nhiên, những thỏa thuận trên, Trung Quốc không coi là gì, trường hợp với Ấn Độ là một ví dụ. Gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gây ra một số vụ việc phức tạp trên biển Hoa Đông.
Trong cả ba khu vực trên, sự hiếu chiến của Trung Quốc rõ ràng là đang gia tăng không ngừng.
Phản ứng của Việt Nam cho đến nay hiện vẫn rất kiềm chế đối với những vụ việc vừa qua. Tháng vừa rồi Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập lực lượng kiểm ngư với nhiệm vụ giám sát hoạt động đánh cá của ngư dân và bảo vệ các vùng biển thuộc lãnh thổ nước này.
Sự kiện này diễn ra sau động thái của Trung Quốc ban hành lệnh mới vào tháng một vừa qua, yêu cầu ngư dân nước ngoài phải có được sự đồng ý của Bắc Kinh mới được tiến hành đánh bắt trên các vùng biển trên Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm các vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Căng thẳng đã và đang gia tăng trên Biển Đông. Tuy nhiên, vụ việc gần đây được xem là ở mức độ nghiêm trọng hơn. Trong khi trước đó, Trung Quốc đã ban hành nhiều lệnh cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, động thái hiện tại của Trung Quốc là phép thử lớn nhất trong các vùng biển tranh chấp khi nước này triển khai "giàn khoan nước sâu diện rộng" - được coi là lãnh thổ di động và vũ khí chiến lược của Trung Quốc - theo lời của Chủ tịch CNOOC Wang Yilin.
Căng thẳng đang gia tăng trên gợi nhớ đến cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc những năm 1970.
Từ 2012 cho đến nay, Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Sau khi chiếm đóng bãi cạn Scarborough, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng ở đó nhằm phục vụ cho các mục đích quân sự. Hiện tại, Trung Quốc được cho rằng đang xây dựng cơ sở quân sự và đường sân bay trên bãi Johnson nhằm kiểm soát tốt hơn Biển Đông.
Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược liên tục đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông, với tâm lý cho rằng các nước tranh chấp khác không thể hoặc không sẵn sàng ngăn cản nước này, thì ảnh hưởng ngày càng lớn của các hoạt động của Trung Quốc đó có khả năng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi mà các nước khác phản ứng lại một cách mạnh mẽ.
Cần nhớ rằng Việt Nam đã có cuộc chiến tranh với Trung Quốc trước đây. Thời điểm này thậm chí các cường quốc bên ngoài có thể can dự khi mà Biển Đông trên phương diện chiến lược và kinh tế là cực kỳ quan trọng. Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam như việc triển khai các lực lượng tuần tra kiểm soát nhằm bảo vệ các vùng biển của mình đã tự tạo ra động lực cho chính mình trong các cuộc xung đột.
Lý do khiến Trung Quốc sớm muộn sẽ phải rút lui (Gia Đình, 10/05/2014)
Đó là cuộc họp báo của Hội Luật gia Việt Nam diễn ra chiều 9/5 nhằm đưa ra Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.
Tham dự có lãnh đạo hội này và ông Trần Công Trục - nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm cho biết đang cân nhắc gửi Tuyên bố tới Hội Luật gia Trung Quốc để bày tỏ phản ứng. Hội luật gia đôi bên hàng năm vẫn có sinh hoạt chung.
Tương tự nhưng động thái cấp ngoại giao, Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam cũng khẳng định : Cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hội yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có "sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển"…
Những động thái tích cực này đang góp phần vào một sức ép chung về đối ngoại, buộc Trung Quốc phải xem xét lại hành động của mình. Tuy nhiên, theo giới quan sát, giàn khoan HD-981 trị giá tỷ đô-la chỉ là phương tiện cho những mục đích sâu xa của Trung Quốc. Và khi đạt được, thậm chí không, họ sớm muộn cũng phải rút "quân" về nhà trước áp lực quá lớn từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Biển sâu, hút dầu không dễ
Một thông tin ít người chú ý tại buổi họp báo quốc tế được Bộ Ngoại giao tổ chức hôm 7/5 là các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực dầu khí mà đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nêu.
Tổng giám đốc Tập đoàn - ông Đỗ Văn Hậu nói trước báo giới Việt Nam và quốc tế : "Khu vực mà Trung Quốc định hạ đặt giàn khoan nửa nổi nửa chìm có mực nước rất sâu, khoảng 1.000-1.100m. Tiềm năng dầu khí ra sao thì chúng tôi trước đây đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát. Thậm chí, ngay từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã làm. Tuy nhiên, tiềm năng đó đến nay chưa được đánh giá kỹ bởi vì vùng nước quá sâu trong khi thiết bị công nghệ chưa đáp ứng được. Việt Nam vẫn triển khai khảo sát, khoan thăm dò ở các vùng biển nông hơn".
"Nhưng dù có tiềm năng thương mại thì Trung Quốc cũng không dễ dàng gì mà thăm dò, khai thác được ở một khu vực như vậy. Chúng tôi không tin rằng trong một tương lai gần có thể khai thác dầu khí ở chỗ này".
Toan tính để "nắn gân"
Trả lời báo giới trong cuộc họp báo của Hội Luật gia Việt Nam chiều nay, ông Trần Công Trục - nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định về việc Trung Quốc xuống giọng đòi đàm phán với điều kiện Việt Nam rút hết tàu về : "Vị trí HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo mà họ chiếm. Vùng này hoàn toàn của chúng ta nên lực lượng hoạt động thực thi luật pháp là bình thường. Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán. Ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào".
Ông Trục cho rằng, Trung Quốc đã lựa chọn, toan tính thời điểm rất phù hợp để thực hiện hành động ngang ngược này. "Họ đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra. Như thế, vấn đề Biển Đông không phải quan tâm số một nữa nên họ lợi dụng "nhảy vào". Họ lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, họ dựa vào thái độ của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò. Đó là sự tính toán của Trung Quốc mà ta phải lưu ý".
Nhưng mục đích của việc xâm phạm này là gì ? Toan tính này liệu có đi đến một cuộc xâm lược trắng trợn trên biển ? Theo nhiều bình luận trên truyền thông quốc tế, Trung Quốc chỉ đang "thử" Việt Nam giống như đã làm với Philippines vụ bãi cạn Scarborough tranh chấp suốt từ 2012 và đi đến kiện tụng vào đầu năm 2014.
Khi đó Trung Quốc cũng đề nghị Philippines rút hết tàu về để giải quyết tranh chấp. Yêu cầu này lại được lặp lại ngày hôm qua đối với Việt Nam. Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn dư luận quốc tế hiểu, các vùng biển thuộc đặc quyền của các quốc gia Đông Nam Á thực chất đang là khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam không dễ mắc bẫy này, đúng như khẳng định của ông Trần Công Trục : "Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán".
Và khi "nắn gân", đánh lừa không được, Trung Quốc sẽ sớm lui "quân" để tính các phương án khác. Toan tính này cũng được Hoa Kỳ nhìn rõ. Hành động đơn phương" của Trung Quốc dường như là một phần trong cách hành xử tổng thể của nước này nhằm yêu sách chủ quyền theo cách có thể gây hại cho hòa bình và ổn định của khu vực", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói hôm 8/5. Trước đó, AFP cũng dẫn lời bà này hôm 6/5 khẳng định : "Quyết định của Trung Quốc về việc đưa giàn khoan dầu của họ đến khu vực này là một hành động vô ích và khiêu khích".
Phép thử
Qua các thời kỳ, vị trí địa chính trị của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á vẫn cực kỳ quan trọng. Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, Việt Nam làm bạn với tất cả các nước, quan hệ chiến lược với Nga, Trung Quốc từ lâu và mới nâng tầm quan hệ đối tác với Hoa Kỳ năm ngoái. Ngoài "nắn gân" Việt Nam và cộng đồng ASEAN, Trung Quốc thể hiện rõ ý đồ "thăm dò" thái độ của các "đại gia" khác như Mỹ, Nga - vốn là đối trọng của Trung Quốc trong cuộc đua khẳng định vị trí dẫn đầu trên bàn cờ chính trị thế giới.
Kinh tế của Trung Quốc đang nhăm nhe soán ngôi số 1 của Mỹ, tuy nhiên, tiềm lực quân sự và kinh nghiệm va chạm ở các vùng nóng không thể bì kịp Mỹ với các chiến trường Iraq, Afghnistan ; hay như Nga với dấu ấn ở Nam Ossetia và Ukraine. Nhìn vào thực tế, Trung Quốc rất lâu rồi không "va chạm mạnh" với ai để khẳng định vị thế như Mỹ, Nga. Nhưng Trung Quốc cũng không có ý định "thử" điều đó với khu vực nhạy cảm như Đông Nam Á vốn được cả 2 đối trọng kia rất quan tâm.
Do đó, động thái hung hăng vừa diễn ra, theo giới quan sát quốc tế, ngoài là chiêu trò cũ gây rối về chủ quyền biển đảo, Trung Quốc còn muốn thực hiện một phép thử với Nga và Mỹ.
Cũng sợ chiến tranh
Đối trọng Mỹ - Liên Xô đã kết thúc từ lâu. Nhiều người nghĩ chính quyền Hoa Kỳ đang bá chủ thế giới, khuynh loát mọi diễn biến chính trị ở mọi khu vực. Song thực tại đã khác, kể cả có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của NATO và các đồng minh mới, tiếng nói của Mỹ bây giờ không thể át nổi âm thanh từ điện Kremlin, đặc biệt từ khi Putin lên nắm quyền. Trong cuộc ganh đua vị thế đó, Trung Quốc cũng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định cả về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự.
Theo các thống kê hàng năm của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ, Nga. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc cũng là khách hàng lớn của Nga về nhập khẩu vũ khí. Nỗ lực hiện đại hóa, tự chủ về công nghệ quốc phòng của Bắc Kinh chưa thực sự gây được nhiều chú ý ngoài sân bay Liêu Ninh không quá hiện đại, uy dũng.
Và trong thế Nga - Mỹ - Trung hiện tại, không một nước nào muốn dấn thân vào một cuộc chiến kéo dài với các quốc gia có sức mạnh quân sự đáng kể và nhiều kinh nghiệm chiến tranh như Việt Nam, Triều Tiên. Nếu cố lao vào, họ sẽ bị hai đối thủ còn lại bỏ xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét