Dự án chính trị - VI. Chấm dứt độc tài

Dự án chính trị - VI. Chấm dứt độc tài

VI. Chấm đứt độc tài và thiết lập dân chủ đa nguyên

Vấn đề trọng đại trước mắt của chúng ta là chấm dứt chế độ độc tài đảng trị trong thời gian ngắn nhất và trong những điều kiện tốt đẹp nhất. Chúng ta đã quá chậm trễ so với thế giới và không còn thời giờ để phí phạm. Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng hỗn loạn hậu cộng sản. 

Trong thế giới của hòa bình, đối thoại và hợp tác hiện nay, mọi giải pháp dùng tới bạo lực đều không tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới. Đất nước Việt Nam cũng đã chịu quá nhiều đổ vỡ và người Việt Nam cũng đã quá chán chường và mệt mỏi để có thể chấp nhận một cuộc nội chiến mới. Những diễn biến gần đây trên thế giới cũng đã chứng tỏ rằng đấu tranh bất bạo động có khả năng đánh đổ các chế độ độc tài, ngay cả các chế độ độc tài cộng sản được tổ chức thật tinh vi. Đấu tranh bất bạo động là giải pháp ngắn nhất và tốt đẹp nhất để đưa tự do dân chủ đến thắng lợi. Đó là phương thức mà chúng ta phải chọn. 

Nét đậm nhất của đất nước hiện nay là tuyệt đại đa số người Việt Nam đã đồng ý rằng chế độ độc tài đảng trị là một tai họa, kể cả đại bộ phận những người đã đóng góp tạo dựng ra nó. Cuộc đấu tranh để thiết lập dân chủ đa nguyên vì vậy có thể qui tụ, và phải qui tụ, mọi người thuộc mọi quá khứ chính trị.


1. Bốn điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng dân chủ 

Lịch sử các cuộc vận động chính trị lớn tại các quốc gia qua các thời đại cho thấy có bốn điều kiện vừa cần vừa đủ để một cuộc cách mạng - hiểu theo nghĩa tích cực của một sự thay đổi toàn diện của cả chế độ lẫn định hướng quốc gia - thành công : 

Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi. 

Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể. 

Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng tình về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới. 

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới. 

Dĩ nhiên không bao giờ có điều kiện nào được thực hiện xong 100% cả, nhưng tới một mức độ chín muồi nào đó ta có thể coi một điều kiện là đã đạt được. 

Nhìn vào bối cảnh hiện tại của đất nước chúng ta có thể khẳng định là hai điều kiện đầu đã có. Toàn dân đã chán ghét chế độ và đang nôn nóng chờ đợi thay đổi. Khát vọng dân chủ ngày càng lên cao trong dân chúng ; hơn thế nữa sự chuyển hóa về dân chủ ngày càng được nhìn như một lẽ tự nhiên và một sự bắt buộc, càng trì hoãn chừng nào càng gây thiệt hại cho đất nước chừng đó. Không những dân chúng mà cả một số lượng đông đảo cán bộ và đảng viên cộng sản cũng đang mất kiên nhẫn trước sự ù lì của ban lãnh đạo đảng cộng sản. 

Mặt khác, đảng cộng sản cũng đã ruỗng nát. Cán bộ đảng viên đã mất hết mọi tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và ban lãnh đạo đảng, ngược lại ban lãnh đạo đảng cũng đánh giá đa số đảng viên là tham nhũng, thiếu khả năng và phẩm chất. Những xung đột rất trầm trọng đã xảy ra ngay giữa các cán bộ cấp cao. Tâm lý ngự trị trong đảng là thi nhau giành giật, mạnh ai nấy sống. Đảng cộng sản đã mất ý chí và sức sống của một đoàn thể. 

Điều kiện thứ ba cũng đã gần đạt được. Đại bộ phận quần chúng, kể cả đảng viên cộng sản, đều đã đồng ý rằng chế độ chính trị tương lai của Việt Nam bắt buộc phải là một thể chế dân chủ đa nguyên, dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người ; mọi người đều đã đồng ý rằng nền kinh tế của Việt Nam phải là kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng, lấy cạnh tranh làm sức mạnh và lấy lợi nhuận làm chất kích thích. Hơn thế nữa chúng ta còn ý thức được rằng phải thực hiện cuộc cách mạng dân chủ này bằng đường lối bất bạo động, trong tinh thần hòa giải dân tộc. Chúng ta chỉ còn thiếu một dự án chính trị rõ ràng và minh bạch, đặt ra những vấn đề lớn của đất nước cùng với những hướng giải quyết. Trong tinh thần đó dự án chính trị này là một đóng góp. 

Sau cùng chúng ta cũng đã thấy xuất hiện những cố gắng kết hợp quan trọng. Một số những khuôn mặt tranh đấu, thuộc những quá khứ chính trị khác nhau cũng đang dần dần trở nên quen thuộc với quần chúng. Những điều kiện cho một sự tập hợp các lực lượng dân chủ đã gần như hội đủ. 

Như vậy việc còn lại phải làm là hoàn tất điều kiện thứ ba, nghĩa là đạt tới đồng thuận trên một dự án chính trị, và xây dựng điều kiện thứ tư, nghĩa là hình thành một kết hợp dân chủ có tầm vóc. Có thể nói chúng ta đã đi được ba phần tư lộ trình dẫn đến dân chủ, nhưng đoạn đường còn lại, xây dựng một tập hợp chính trị làm tụ điểm cho khát vọng dân chủ, cũng là đoạn đường cam go nhất bởi vì chúng ta gặp phải một liên minh gắn bó giữa, một bên, là chính sách đàn áp thô bạo của một đảng cầm quyền cực kỳ lì lợm và, bên khác, là sự thụ động của một dân tộc đã rã hàng sau quá nhiều thất vọng và thương tổn. 

2. Năm giai đoạn của cuộc vận động dân chủ 

Làm thế nào để xây dựng ra tập hợp dân chủ đó? Lịch sử của các nước, các thời cũng đã chứng tỏ rằng mọi cuộc đấu tranh cách mạng muốn thành công đều phải qua năm giai đoạn tổ chức rõ rệt. Cuộc vận động dân chủ, tuy bao dung về tinh thần và bất bạo động trong phương pháp, cũng vẫn là một cuộc đấu tranh cách mạng bởi vì nó nhằm thay đổi cả chế độ chính trị lẫn tổ chức xã hội. Như thế chúng ta cũng phải qua lộ trình năm giai đoạn đó. 

2.1. Xây dựng một cơ sở tư tưởng 

Cơ sở tư tưởng của một kết hợp chính trị gồm một dự án chính trị, những lý luận bảo vệ cho những chọn lựa trong dự án, và một đồng thuận trong chiến lược đấu tranh. Dự án đó phải là một tổng hợp công phu giữa một nhận định nghiêm túc về bối cảnh đất nước và những tư tưởng đúng đắn nhất của thời đại. Một phong trào chính trị muốn thành công cần được xây dựng trên một cơ sở tư tưởng mạnh. Cơ sở tư tưởng phải là một lý tưởng đủ đẹp và đủ tính khả thi để vừa gắn bó mọi chí hữu với nhau vừa tranh thủ được sự yểm trợ cho phong trào. Giai đoạn xây dựng cơ sở tư tưởng có thể coi là tạm hoàn tất khi đã có dự án chính trị được thành phần có trí tuệ nhất của đất nước đánh giá là xuất sắc, đứng đắn và khả thi. 

2.2. Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt 

Tranh thủ sự ủng hộ cho dự án chính trị, tổ chức nhân lực và phương tiện để đưa cuộc đấu tranh tới thành công là công việc của đội ngũ cán bộ nòng cốt. Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn lớn là những người có khả năng chính trị vừa ít vừa phân tán. Cố gắng chính như vậy phải là một mặt bằng mọi cách qui tụ những phần tử quí hiếm đó và mặt khác cố gắng đào tạo ra những cán bộ nòng cốt mới. Công việc này tuy rất khó nhưng không thể né tránh bởi vì cuộc đấu tranh chính trị nào xét cho cùng cũng vẫn là cuộc đọ sức giữa những đội ngũ cán bộ. Một tổ chức chính trị luôn luôn phải tôn trọng một tỷ lệ nào đó giữa đội ngũ cán bộ nòng cốt và tổng số thành viên. Sức khỏe cần hơn sức vóc. Phẩm chất cần hơn số lượng. Trong thời đại hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại cho phép một nhóm nhỏ quan hệ trực tiếp và thường xuyên với quần chúng, vai trò của đội ngũ cán bộ nòng cốt lại càng quan trọng. 

2.3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện 

Cuộc đấu tranh nào muốn thành công cũng cần những phương tiện. Phương tiện không phải chỉ là phương tiện vật chất. Phương tiện có thể là của tổ chức, do các thành viên và cảm tình viên đóng góp, cũng có thể là của các tổ chức đồng minh, và cũng có thể là khả năng vận động những sự yểm trợ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí, các nhân vật có uy tín trong một bối cảnh nào đó. Các phương tiện có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức và đến từ nhiều nguồn khác nhau. Điều quan trọng là phải tiên liệu được và hoạch định được sự sẵn sàng của chúng. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện là điều tối quan trọng bởi vì trong đấu tranh chính trị hoặc phải có các phương tiện cần thiết cho đường lối của mình, hoặc sẽ phải không nhiều thì ít thực hiện đường lối của kẻ cung cấp phương tiện. 

2.4. Xây dựng cơ sở quần chúng 

Cơ sở quần chúng cần được hiểu trước hết là tập thể thành viên ngoài đội ngũ cán bộ nòng cốt. Sự kiện một thành viên thuộc vào đội ngũ nòng cốt hay cơ sở có thể là do trình độ chính trị nhưng cũng có thể vì những lý do khác : sức khỏe, thời giờ có thể dành cho cuộc tranh đấu, hoàn cảnh gia đình và cá nhân ở một thời điểm. Cơ sở quần chúng cũng là những tập thể các thân hữu, đặc biệt là các thân hữu có uy tín. Sau cùng, cơ sở quần chúng cũng là vốn cảm tình mà tổ chức đã tranh thủ được. Cố gắng xây dựng cơ sở quần chúng chủ yếu là một cố gắng tuyên truyền nhằm hai mục tiêu : một là thuyết phục quần chúng về sự cần thiết phải đóng góp vào một giải pháp chung cho đất nước chứ mỗi người không thể tự giải quyết các vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân ; hai là tranh thủ sự đồng tình của quần chúng đối với tổ chức. 

2.5. Tiến công giành chính quyền 

Chỉ sau khi bốn giai đoạn trên đã được thực hiện mới có thể nghĩ đến việc tiến công giành chính quyền và phương pháp để nắm chính quyền mới có thể được quyết định. Trong thực tế những người dân chủ Việt Nam phải dứt khoát loại bỏ giải pháp vũ trang ngay từ đầu vì giành chính quyền bằng bạo lực đòi hỏi phát động nội chiến rất sớm và giữ chiến tranh ở một mức độ giới hạn rất lâu trước khi tổng tấn công. Tình trạng nội chiến này gây tang tóc và đổ vỡ kéo dài cho đất nước và có thể không có lối thoát. Thế giới văn minh đã từ bỏ bạo lực như một phương tiện đấu tranh chính trị, dân tộc Việt Nam sau những kinh nghiệm đau đớn của giai đoạn nội chiến vừa qua lại càng phải từ khước bạo lực một cách dứt khoát hơn. Chiến lược của những người dân chủ Việt Nam là diễn tiến hòa bình. 

Năm giai đoạn phải đi theo thứ tự nhưng không nhất thiết là giai đoạn trước phải hoàn tất giai đoạn kế tiếp mới bắt đầu. Các giai đoạn gối đầu lên nhau. Tiến trình năm giai đoạn là một công thức hướng dẫn hành động, nó là một điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Đi sai tiến trình này thì chắc chắn thất bại nhưng theo đúng tiến trình chưa chắc đã thành công. Sự thành công còn tùy thuộc nhiều yếu tố định lượng : cơ sở tư tưởng được hưởng ứng đến mức độ nào, cán bộ nhiều hay ít và khả năng thế nào, phương tiện dồi dào tới mức nào. 

Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng. 

Nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là cuộc vận động dân chủ hiện nay mới chỉ ở giữa giai đoạn thứ nhất và bước đầu của giai đoạn thứ hai. Nhưng không phải vì thế mà có thể kết luận bi quan rằng thắng lợi của dân chủ còn xa.

3. Nội dung của cuộc vận động dân chủ 

Từ những phân tích trên, cố gắng đấu tranh để chấm dứt chế độ độc tài và xây dựng dân chủ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ tập trung vào những công tác trọng điểm sau đây. 

3.1. Thức tỉnh quần chúng về sự cần thiết của một giải pháp chung cho cả dân tộc 

Sự mâu thuẫn đáng phẫn nộ giữa tiềm năng to lớn và hiện trạng bi đát của dân tộc, giữa ước vọng dân chủ rộng khắp và sự kéo dài thách đố của chế độ độc tài toàn trị có một nguyên nhân chính : đó là tâm lý luồn lách để tìm những giải pháp cá nhân cho những vấn đề cá nhân. Tâm lý đó là di sản lịch sử và văn hóa của hàng ngàn năm trong đó con người hoàn toàn không có tiếng nói, phải chịu đựng chính quyền như một định mệnh và tìm cách thích ứng để tự tồn. Luồn lách để tồn tại đã, một mặt, buộc người dân phải chấp nhận làm những điều không lương thiện và góp phần làm ung thối thêm xã hội, mặt khác, khiến người dân phải thỏa hiệp với chế độ độc tài tồi dở, đóng góp cho nó và do đó giúp nó tồn tại, một điều không ai muốn. 

Cố gắng đầu tiên, trọng đại và cam go của những người dân chủ là thức tỉnh dân chúng rằng bắt buộc phải có một giải pháp chung, nghĩa là một thay đổi chế độ chính trị, chứ mỗi người không thể xé lẻ và luồn lách để tự giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Sẽ chỉ có một thiểu số không đáng kể thành công như vậy và sự thành công nếu có cũng chỉ là tạm bợ và đầy bất trắc. 

Phải đánh đổ trước hết chủ nghĩa luồn lách và phát huy ý chí sống lương thiện, xứng đáng và trách nhiệm. Chừng nào quần chúng còn chưa tin là mọi người Việt Nam đều gắn bó với nhau trong một số phận chung, và do đó cần một giải pháp chung, cuộc vận động dân chủ vẫn chưa thể thành công và chế độ độc tài vẫn tồn tại, hay nếu có sụp đổ do sự ruỗng nát của chính nó thì cũng chỉ nhường chỗ cho một tình trạng hỗn loạn vô chính phủ còn tồi tệ hơn cả một chế độ độc tài. 

Khó khăn chính của cuộc cách mạng tâm lý này là nó đòi hỏi cả lý luận lẫn sự kích thích và do đó chỉ có những kết hợp chính trị mới có thể vận động được một cách hữu hiệu. Các nhà nghiên cứu, các nhà tư tưởng, ngay cả các nhân sĩ uy tín, nếu có, cũng bất lực vì chính sự kiện họ đứng một mình cũng đã không nhiều thì ít chứng tỏ họ chọn lựa giải pháp cá nhân và khiến cho những hô hào của họ về một ý thức chung mất rất nhiều tác dụng. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hiểu trách nhiệm và vai trò của mình trong cuộc đột phá tâm lý này.

3.2 Giành thắng lợi dứt khoát về mặt tư tưởng và lý luận 

Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên này, cùng với những đóng góp của các tổ chức dân chủ khác, sẽ là vũ khí đấu tranh tư tưởng để bẻ gãy những lý luận ngụy biện của đảng cộng sản và giải tỏa những lấn cấn còn tồn tại trong nhân dân. 

Chúng ta phải bẻ gãy lập luận cho rằng dân chủ sẽ đưa tới hỗn loạn. Chúng ta sẽ chứng minh rằng dân chủ là điều kiện căn bản để bảo đảm không có hỗn loạn, là phương thức sinh hoạt cho phép xã hội tiến hóa và đổi mới không ngừng trong trật tự. 

Chúng ta phải bẻ gãy lập luận cho rằng muốn phát triển cần có kỷ luật và muốn có kỷ luật cần hy sinh dân chủ, giới hạn tự do và nhân quyền. Nhân dân Việt Nam cần được giải thích rõ ràng rằng không thể có kỷ luật quốc gia nào khác hơn là hiến pháp và luật pháp. Nhân dân Việt Nam cũng cần được thuyết phục rằng dân chủ, tự do và nhân quyền không những không là những trở ngại mà còn là những điều kiện không có không được cho một phát triển lành mạnh, liên tục và kéo dài ; những tiến bộ ban đầu tại một số nước độc tài như Trung Quốc và Việt Nam chỉ là hậu quả của việc nới lỏng một số tự do và tháo gỡ một phần chính sách quản lý độc đoán và sẽ mau chóng đạt tới giới hạn nếu không có chuyển biến thực sự về dân chủ. Trên thực tế đà phát triển tại hai nước này đã khựng lại vì hai chính quyền Trung Quốc và Việt Nam không chịu đẩy mạnh thêm cải tổ theo chiều hướng dân chủ hóa. 

Chúng ta phải bẻ gãy lập luận cho rằng xã hội phương Đông khác với xã hội phương Tây, và do đó không thể chấp nhận những giá trị của phương Tây như tự do cá nhân, dân chủ và nhân quyền. Tự do, dân chủ và nhân quyền là những giá trị phổ cập của cả loài người, không riêng gì của phương Tây. Các giá trị đó có mặt trong mọi nền văn minh, kể cả tại Việt Nam. Ưu điểm của các nước phương Tây là đã biết phát huy mạnh mẽ những giá trị đó, nhờ thế họ đã phồn vinh và vượt xa phần còn lại của thế giới. Chúng ta cần phát huy những giá trị đó để tiến lên. Và vì chúng ta đã chậm trễ nên cần phát huy một cách mạnh mẽ và quả quyết. 

Chúng ta cần phơi bày sự sai trái của lập luận cho rằng các giá trị văn hóa châu Á có lợi cho phát triển hơn các giá trị văn hóa phương Tây. Đằng sau lập luận mị dân đó là ý đồ biện hộ cho những chế độ độc tài chuyên chính. Dĩ nhiên các nền văn hóa châu Á có nhiều điểm tích cực nhưng những điểm tiêu cực còn nhiều hơn và trầm trọng hơn. Các nước châu Á đã phát triển nhờ chấp nhận cách suy nghĩ, tổ chức và làm việc dân chủ của người phương Tây chứ không vì phủ nhận phương Tây và đề cao những nét đặc thù của mình. Vả lại, các nước châu Á có những nền văn hóa và phong tục rất khác nhau, nên không thể nói một cách chung chung tới những giá trị phương Đông hay châu Á được. 

Chúng ta cần ý thức rằng đây không phải chỉ là những cuộc tranh luận lý thuyết. Đằng sau những lập luận ngụy biện bênh vực cho các chế độ độc tài là những nhà tù khắc nghiệt, những đày đọa thô bạo mà những con người đáng quí nhất của đất nước là nạn nhân, trong khi một thiểu số cường hào tha hồ vơ vét tài nguyên quốc gia. 

Chúng ta cũng cần phải cực lực bác bỏ một thứ "chủ nghĩa kinh tế" mà một số chính quyền, trong đó có Việt Nam, đang lấy làm lý cớ để phủ nhận hoặc giới hạn tự do, dân chủ và nhân quyền. Kinh tế không phải là tất cả, và ngay cả trên địa hạt thuần túy kinh tế tỷ lệ tăng trưởng cũng không phải là tất cả. Một thành tích tăng trưởng kinh tế 10% không cho phép chính quyền tự mãn là có công rồi áp đặt một chế độ độc tài lên dân chúng, nhất là khi sự tăng trưởng đó chỉ là sự phục hồi một phần sau nhiều năm đổ vỡ do chính quyền gây ra và phải trả bằng một giá rất đắt về văn hóa, đạo đức, môi trường. Mục tiêu quốc gia là một xã hội phồn vinh, có văn hóa cao, có sự phân phối hợp tình hợp lý lợi tức quốc gia, có cơ hội thăng tiến công bằng cho mọi người, có liên đới giữa người và người và giữa mọi người với đất nước, có bảo đảm tự do và phẩm giá cho mọi người, có khả năng không ngừng vươn lên, có môi trường thiên nhiên được bảo vệ và liên tục cải thiện. 

Một cố gắng khác, rất quan trọng, là chứng minh cho những đảng viên cộng sản và cán bộ của nhà nước còn đang phân vân và ngờ vực rằng họ hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ. 

Cố gắng tranh thủ sự hưởng ứng của những cán bộ đảng viên cộng sản không khó về mặt lý luận vì trong đại bộ phận họ cũng đều là nạn nhân của chế độ và cũng rất bất mãn. Khó khăn là ở di sản tâm lý do cuộc chiến và cách cai trị thô bạo của đảng cộng sản để lại. Nhiều người không tin rằng hận thù có thể xóa bỏ dễ dàng trong khi đó thì vẫn còn những luận điệu cực đoan của một thiểu số vô ý thức và vô trách nhiệm gây thêm sự lo ngại. Bởi vậy cuộc vận động dân chủ, một mặt, phải khẳng định một cách thật quả quyết tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và, mặt khác, phải chứng minh một cách hùng hồn rằng sẽ không có bất cứ một biện pháp phân biệt đối xử nào. Muốn như thế hàng ngũ dân chủ phải qui tụ mọi thành phần thuộc mọi quá khứ chính trị. Một tập hợp chính trị dù có thiện chí và đường lối đứng đắn đến đâu mà chỉ gồm những người quốc gia cũ hay cộng sản cũ cũng vô vọng. 

3.3. Phát động mạnh mẽ cuộc tranh đấu đòi dân chủ trong nước 

Chúng ta may mắn có được một số người quả cảm dám nói lên tiếng nói dân chủ - tiếng nói của trí tuệ và lương tâm - bất chấp an ninh nhân thân. Họ đã bị đàn áp thô bạo. Hàng ngàn người đang mòn mỏi trong các nhà tù, hàng ngàn cuộc đời bị gãy đổ, hàng ngàn gia đình bi đát. Nhiều người bị trù dập và bị cô lập về mọi mặt văn hóa, xã hội và kinh tế. Họ sống trong căng thẳng và hồi hộp, gia đình họ sống trong thiếu thốn và lo âu. Những người dân chủ tại Việt Nam đang hy sinh cho cả dân tộc để dựng cao ngọn cờ dân chủ. Họ xứng đáng được mọi người Việt Nam tôn vinh, biết ơn và yểm trợ. 

Yểm trợ những người dân chủ trong nước là một nghĩa vụ đạo đức và tình cảm, nhưng cũng là một bắt buộc chiến lược. Có được yểm trợ thì những người dân chủ trong nước mới cảm thấy phấn khởi và mới có khả năng tiếp tục và tăng cường cuộc chiến đấu gian lao và hoàn toàn không cân xứng này, phong trào dân chủ trong nước nhờ đó mới bành trướng được, thông điệp dân chủ nhờ đó mới tới được với mọi người, cuộc vận động dân chủ mới có thể thành công. 

Cho đến nay, cộng đồng người Việt hải ngoại đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong việc vận động dư luận quốc tế, các tổ chức nhân quyền, các chính phủ dân chủ để bênh vực họ. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về cách vận động hậu thuẫn quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục và gia tăng sự yểm trợ về vật chất, tinh thần và thông tin đối với anh em trong nước. Những cố gắng yểm trợ những người dân chủ trong nước tự chúng cũng có tác dụng thúc đẩy dân chủ và cũng là thành phần khắng khít của cuộc vận động dân chủ. 

Hiện nay những thắng lợi đã đạt được đặt ra cho chúng ta một yêu cầu mới, đó là đưa cuộc vận động dân chủ trong nước từ giai đoạn của những phản kháng cá nhân sang giai đoạn của những đấu tranh có phối hợp, có tổ chức và có tiếng nói chung. Để đạt mục tiêu này không những phải tăng cường cố gắng yểm trợ mà còn phải đem lại cho anh em dân chủ trong nước niềm tin, một trong những yếu tố quyết định của niềm tin đó là sự hình thành của một kết hợp dân chủ lớn và đứng đắn tại hải ngoại. 

3.4. Nâng cao tinh thần và hiệu năng của những cố gắng
vận động sự yểm trợ của thế giới 

Bối cảnh thế giới hiện nay đang rất thuận lợi cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam. Các nước phát triển ngay cả khi theo đuổi một chính sách hợp tác thực tiễn đối với chính quyền cộng sản cũng không có cảm tình và sự trọng nể. Họ đều nhận định rằng một nước Việt Nam dân chủ sẽ có lợi hơn cho họ và trên thực tế không ngừng gây áp lực buộc nhà cầm quyền Việt Nam đẩy mạnh những cải tổ có lợi cho tiến trình dân chủ hóa. Ở những mức độ nhiệt tình khác nhau, họ đều là đồng minh của những người dân chủ Việt Nam. Còn dư luận thế giới thì hoàn toàn ủng hộ chúng ta. Bối cảnh thuận lợi này cho tới nay vẫn chưa được khai thác đúng mức. Chúng ta cần cải tiến về cả nội dung, tinh thần và phương pháp vận động sự yểm trợ của thế giới. 

Về nội dung, dĩ nhiên chúng ta vẫn tiếp tục những cố gắng từ trước tới nay là tố giác những vi phạm nhân quyền và đường lối phản dân chủ của chính quyền cộng sản. Tuy nhiên, để tranh thủ sự ủng hộ nồng nhiệt hơn nữa của dư luận thế giới chúng ta còn phải thêm một nỗ lực khác mà tới nay chưa được ý thức và quan tâm đúng mức là trình bày đường lối của đối lập dân chủ Việt Nam, để đối lập dân chủ Việt Nam xuất hiện dưới mắt thế giới như một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Cũng trong mục tiêu đó, chúng ta sẽ phải giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của cuộc vận động dân chủ không phải chỉ như những nạn nhân cần được bảo vệ mà còn là những hy vọng của đất nước ngày mai. 

Những cố gắng vận động sự yểm trợ của thế giới cho đến nay đã đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn bị giới hạn do tình trạng thiếu kết hợp và phối hợp. Do tình thế phân tán lực lượng, các cố gắng không chỉ thuần túy vì mục đích tăng cường cuộc vận động dân chủ mà đôi khi còn nhắm tranh thủ trước hết hậu thuẫn cho đoàn thể mình. Tình trạng này không những làm giảm rất nhiều hiệu năng mà còn gây ấn tượng không tốt đối với đối lập dân chủ. Tinh thần mới mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị cho cố gắng vận động là chỉ nhắm đem lại thắng lợi cho cuộc vận động dân chủ trong các cố gắng tranh thủ sự hưởng ứng của thế giới. Điều này khó, nhưng phải thực hiện được nếu tổ chức dân chủ muốn thế giới nhìn đối lập dân chủ Việt Nam như một thực thể vừa có thực lực vừa biết tự trọng. 

Phương pháp vận động cũng cần được xét lại, trước hết là để tập trung cố gắng vào những hoạt động thực sự có lợi cho tiến trình dân chủ hóa thay vì phí phạm sinh lực cho những hoạt động ồn ào không gây được sự kính trọng của dư luận thế giới. 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, bằng quan hệ khiêm tốn và thành tín với mọi lực lượng và mọi thành phần dân chủ trong cũng như ngoài nước, sẽ cổ võ cho một sự xét lại và cải tiến mặt trận quốc tế vận. Quyết tâm tìm hiệu năng tối đa trên mặt trận này sẽ đem lại nhiều hệ quả tốt đẹp cho đối lập dân chủ Việt Nam. Nó sẽ khiến đối lập dân chủ Việt Nam ý thức rằng cần xuất hiện trước thế giới như hy vọng cho tương lai chứ không phải như những tàn dư của một quá khứ, như một lực lượng bao dung chứ không phải như một lực lượng phục thù. Nó sẽ khiến những người dân chủ nhận thức sự cần thiết của một dự án chính trị đứng đắn và có sức thuyết phục. 

Quan trọng hơn, nó sẽ khiến chúng ta nhìn rõ yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa các thành phần dân chủ trong và ngoài nước. Ý thức tầm quan trọng của mặt trận quốc tế vận cũng là ý thức tiềm năng to lớn và vai trò chiến lược của cộng đồng người Việt hải ngoại, đánh tan mặc cảm tội lỗi vì không có mặt trên đất nước và hiểu rằng trong và ngoài nước đều quan trọng như nhau, đều cần nhau và đều phải quí trọng nhau. 

Và quan trọng hơn hết, nó sẽ khiến chúng ta nhận thức rằng phải phối hợp và kết hợp nếu muốn được thế giới tận tình hỗ trợ. Chúng ta sẽ hiểu rằng cần vượt lên trên những khác biệt chi tiết để đoàn kết trong một mặt trận dân chủ. 

3.5. Xúc tiến sự hình thành một mặt trận dân chủ 

Không một người dân chủ nào không nhận thức được sự cần thiết của một mặt trận dân chủ có tầm vóc. Đây là một việc phải thực hiện bởi vì ngay cả trong trường hợp đảng cộng sản chấp nhận bầu cử tự do phe dân chủ cũng sẽ thất bại nếu phân tán lực lượng. Đây cũng là một công việc có thể thực hiện được vì thời gian đã gạn lọc những ý kiến và ngày nay chỉ còn rất ít những khác biệt về quan điểm. 

Bước đầu của cố gắng hình thành mặt trận dân chủ này là đẩy mạnh hơn nữa những tiếp xúc, thảo luận và trao đổi bộc trực trong tinh thần tương kính đã tiến hành từ nhiều năm nay về bối cảnh quốc tế và về hiện tình đất nước, về những chọn lựa cơ bản cho tương lai, về những vấn đề cấp bách phải giải quyết và về hướng giải quyết cho những vấn đề đó. Chính qua những cuộc trao đổi này mà một đồng thuận có thể đạt tới và những con người cần có để giành thắng lợi cho nó có thể tìm ra. 

Giai đoạn vận động này cần được xúc tiến ở cả trong lẫn ngoài nước song song với cố gắng phổ biến rộng rãi lý tưởng dân chủ đa nguyên tới quần chúng. Nó có mục đích tìm ra những người cùng chí hướng để kết hợp hành động. Nó cũng có mục đích tìm hiểu và đối chiếu mọi lập trường chính trị để nhận diện ra những tổ chức chính trị dù không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của nhau nhưng vẫn có thể phối hợp hành động. 

Sự kết hợp trong một mặt trận dân chủ này phải vượt lên trên mọi ngăn cách do quá khứ để lại, trong tinh thần hòa giải dân tộc thành thực và trọn vẹn, hoàn toàn hướng về tương lai. Sức mạnh của kết hợp này không dựa trên cơ chế tổ chức mà dựa trên đồng thuận về mục đích và phương pháp đấu tranh, cùng với sự tin tưởng lẫn nhau. Kết hợp này phải mở cửa cho mọi cá nhân và đoàn thể thuộc mọi xuất xứ miễn là thành thực chia sẻ lý tưởng dân chủ đa nguyên, thành thực tán thành tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và quả quyết từ khước bạo lực. Mọi bất đồng quan điểm khác đều có thể thỏa hiệp. 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đặc biệt đánh giá cao vai trò của những người dân chủ hiện có mặt trong guồng máy nhà nước cộng sản trong việc khai thông tiến trình dân chủ hóa. 

Chúng ta khẳng định mặt trận dân chủ này là một mặt trận chống tất cả mọi hình thức độc tài trong đó độc tài cộng sản chỉ là một, chống sự áp bức, chống sự tồi dở và gian trá. Mặt trận dân chủ này hoàn toàn không phải là sự kéo dài của cuộc xung đột trong quá khứ, mà là một kết hợp hướng về tương lai. Nó mở cửa cho mọi người dân chủ thuộc mọi quá khứ chính trị và mọi cương vị. Nhưng ngược lại, nó cũng chỉ mở cửa cho những người thật sự dân chủ. 

Để có hiệu năng, như mọi liên minh chính trị, mặt trận dân chủ sẽ cần một tổ chức thành viên có sức mạnh vượt trội vừa làm đầu tàu vừa để bảo đảm sự ổn vững. Với nhận định đó Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một mặt, sẽ nỗ lực phát triển chính mình và thống nhất với các tổ chức bạn để tạo ra đầu tàu đó, mặt khác sẽ luôn luôn có đủ khiêm tốn để nhìn nhận vai trò lãnh đạo của một tổ chức dân chủ khác có ưu thế hơn. 

Tuy nhiên, nhận thức về sự cần thiết của một đầu tàu không thể làm chúng ta quên rằng trong hoàn cảnh phân hóa mà lịch sử để lại không một cá nhân nào, không một tổ chức nào có đủ uy tín để có thể được chấp nhận là trung tâm của một tập hợp dân tộc mới. Những xảo thuật để giành thế thượng phong chỉ làm xấu thêm một hoàn cảnh tự nó đã khó khăn. Mọi tổ chức đều phải coi những cố gắng của mình như những đóng góp cho thắng lợi của dân chủ. Mọi tổ chức, kể cả những tổ chức lớn do sự kết hợp của nhiều tổ chức, đều phải tự coi mình là những thành tố, những chặng đường của một kết hợp càng ngày càng lớn hơn. 

Hình thức, chiến thuật và lãnh đạo sẽ uyển chuyển theo tình huống. Khi chính quyền cộng sản đã nhượng bộ và chấp nhận luật chơi dân chủ, cuộc vận động sẽ công khai và cơ quan lãnh đạo sẽ đặt ở trong nước. Chừng nào chính quyền cộng sản vẫn còn ngoan cố tiếp tục chính sách đàn áp, hoạt động trong nước sẽ kín đáo và cơ quan lãnh đạo sẽ đặt tại hải ngoại. 

Trong cả hai trường hợp chúng ta cần một sự hiện diện tích cực trên cả nước và trong mọi địa hạt. Chúng ta sẽ tận dụng mọi kẽ hở, nắm lấy mọi cơ hội, kết thân với mọi người muốn đổi mới đất nước để tạo ra và nhân lên những cơ sở đối lập càng ngày càng tích cực, càng ngày càng công khai. Một mặt chúng ta nỗ lực để mở rộng thêm cánh cửa bưng bít của chính quyền cộng sản và tận dụng luồng giao lưu giữa trong và ngoài nước, mặt khác chúng ta vận dụng mọi sáng kiến để tạo áp lực càng ngày càng mạnh và nhiều mặt lên chế độ. Chế độ cộng sản Việt Nam đang chao đảo trầm trọng trước khát vọng dân chủ của toàn dân và của ngay cả đại bộ phận đảng viên cộng sản. Đa số các cơ quan của chính guồng máy đảng và nhà nước cũng đã chống lại đường lối của ban lãnh đạo và tiếp tay một cách kín đáo nhưng hữu hiệu cho trào lưu đổi mới về dân chủ. Chúng ta đang có một khí thế rất mạnh mà chúng ta phải tận dụng để tiến công tập đoàn cộng sản thủ cựu trên mọi mặt trận, chặn đánh mọi lối thoát của nó, trừ lối thoát về dân chủ đa nguyên. 

3.6. Mục tiêu chính: Bầu cử tự do 

Bằng mọi phương tiện hòa bình và bằng mọi sáng kiến, mặt trận dân chủ sẽ phát động cuộc tranh đấu đòi bầu cử tự do. Sau đó sẽ tranh thủ để đạt thắng lợi trong những cuộc bầu cử đó. 

Bầu cử tự do là một đòi hỏi vừa chính đáng vừa ở trong tầm tay. Dù ngoan cố đến đâu ban lãnh đạo đảng cộng sản cũng chắc chắn sẽ phải nhượng bộ. Họ không có chọn lựa nào khác bởi vì xã hội Việt Nam đã gần chín muồi cho một thay đổi lớn, câu hỏi duy nhất có thể đặt ra chỉ là thay đổi có xảy ra trong hòa bình và trật tự hay không. 

Hơn hai triệu thanh niên, trong đó gần nửa triệu thanh niên có trình độ đại học hoặc tương đương, đi vào thị trường lao động mỗi năm với tất cả sinh lực và ước vọng. Đại đa số không tìm được công ăn việc làm hay không tìm được việc làm phù hợp với khả năng. Đạo quân bất mãn này đã rất lớn và ngày càng lớn thêm. Họ cũng đã dần dần ý thức rằng chế độ này làm hỏng đời họ và làm hỏng đất nước. Khi ý thức này đã rõ rệt, nó sẽ nổ bùng mạnh hơn nhiều trái bom nguyên tử, không một sức mạnh nào có thể chống cự được. 

Hơn năm mươi triệu nông dân Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ qua vừa là thành phần đóng góp nhiều nhất vừa là thành phần bị hà hiếp nhất đã đạt tới giới hạn của sự chịu đựng, sự phản kháng đã bắt đầu trên một qui mô lớn dù chưa có phối hợp. 

Các tôn giáo bị đàn áp một cách thô bạo quá lâu không còn chấp nhận tiếp tục chịu đựng nữa. Áp lực từ trong và ngoài nước đã buộc đảng cộng sản phải nới lỏng các biện pháp chèn ép. Sự nới lỏng này chỉ có tác dụng kích thích thêm những đòi hỏi tự do tôn giáo bởi vì mâu thuẫn giữa chính quyền cộng sản và các tôn giáo đã tích lũy quá lâu và quá nhiều. 

Giới doanh nhân và tiểu thương, tuy số lượng không cao nhưng có trọng lượng lớn nhờ tính năng động, đã nhận ra rằng họ là nạn nhân chính của chính sách co cụm và xiết lại từ sau đại hội 8 của đảng cộng sản và họ chỉ có lối thoát với một sự thay đổi chế độ. 

Thành phần ưu tú trong các xí nghiệp tư cũng như công, ngay cả trong các cơ quan nhà nước và guồng máy đảng, đang tích lũy bực bội vì không thi thố được khả năng và cũng chỉ được đãi ngộ một cách rất không xứng đáng. Họ cũng là thành phần hiểu rõ hơn ai hết sự tồi dở của chế độ và sự cần thiết của một chuyển đổi nhanh chóng về dân chủ. 

Toàn dân bất mãn vì tệ tham nhũng, quan liêu bàn giấy, vì môi trường bị ô nhiễm, vì trật tự an ninh không được bảo đảm, trộm cướp và các băng đảng xã hội đen hoành hành, vì nạn ma túy lan tràn đang hoặc đã phá hủy cuộc đời của con em họ. Trong khi đó thì đảng và nhà nước chỉ dồn mọi cố gắng để đàn áp những tiếng nói đứng đắn đòi tự do và dân chủ. 

Tất cả những bất mãn đó đã tích lũy từ lâu, nhưng điều mới là mọi người đều đã hiểu rằng chỉ có một giải pháp cho họ và cho đất nước là dân chủ hóa. 

Sự bất mãn cam chịu và thụ động đang chuyển mình thành nguyện ước thay đổi chế độ. Nó cũng dần dần dẫn tới hành động. Những tiếng nói phản kháng đã bắt đầu cất lên từ hàng ngũ thanh niên và sinh viên. Những cuộc tiếp xúc giữa các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước với doanh nhân, văn nghệ sĩ, chuyên viên và thanh niên trong những năm gần đây hầu hết đã biến thành những buổi chất vấn và tố giác công khai đối với chế độ. Nông dân cũng không còn thụ động nữa, hàng trăm vụ phản kháng về ruộng đất, thuế khóa và giá cả xảy ra mỗi tháng. Vụ nổi dậy tại Thái Bình, qui tụ hàng trăm ngàn nông dân trong nhiều tháng, đã là một báo động lớn đối với chế độ, nhưng nó chỉ là điềm báo trước của một đợt nổi dậy toàn bộ của nông thôn nếu chế độ không thay đổi. Một số cơ sở của chính đảng cộng sản cũng đã công khai biểu lộ thái độ bất phục tương đối với đảng. 

Xã hội Việt Nam ngày nay đang như một nồi hơi đang tức khí có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. 

Một thực tại hiển nhiên là đảng và nhà nước cộng sản dù ngoan cố và thủ đoạn đến đâu cũng không kháng cự được trào lưu tiến hóa chung của thế giới và nhất là những tiến bộ về truyền thông. Chế độ ngày càng phải miễn cưỡng mở cửa ra thế giới, bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với mọi quốc gia, hội nhập dần dần vào sinh hoạt quốc tế. Lượng thông tin giữa Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng, mọi bức tường ngăn chặn, kể cả những bức tường lửa trên hệ Internet, sẽ đều trở thành ngớ ngẩn và vô vọng. 

Chế độ cộng sản, trong chiều sâu, cũng đã hiểu rằng nó sẽ cáo chung. Hiện tượng đại bộ phận cán bộ các cấp ngả theo mê tín dị đoan, tin bói toán là dấu hiệu của một tập thể chao đảo và mất lòng tin. Sau một nửa thế kỷ cầm quyền độc đoán và bóp nghẹt cá nhân, chế độ cộng sản đã là nạn nhân của chính nó. Nó đã không đào tạo ra được những con người có đủ gan dạ và quyết tâm, chưa nói tới tài năng và bản lãnh, để làm những nhà độc tài. Chế độ độc tài bạo ngược phải chấm dứt vì nó không còn nhân sự cần có. 

Nét đậm nhất hiện nay của đảng cộng sản là đại đa số cán bộ, ngay cả các cán bộ ở những cấp khá cao, không còn cảm thấy gắn bó với sự tồn vong của chế độ nữa. Họ không cảm thấy bị đe dọa nếu chế độ thay đổi, đại đa số còn tin rằng họ sẽ có một vai trò hữu ích hơn và một cuộc sống vinh quang hơn. Đội ngũ thủ cựu ngoan cố một mặt đang già đi và teo lại, mặt khác ngày càng bị cô lập và lố bịch hóa. Trong vòng không đầy một thập niên nữa sẽ không còn thành phần bảo thủ ngoan cố. Nhưng thay đổi sẽ không chờ đến khi đội ngũ thủ cựu biến mất, nó sẽ xảy ra ngay khi mà thành phần này không còn đủ mạnh để khống chế bộ máy đảng và nhà nước nữa. Điểm đột phá này đã gần kề. 

Cho tới nay, đảng cộng sản đã trụ được trong chính sách chống dân chủ nhờ hai yếu tố. Một là, đội ngũ lãnh đạo của nó gồm chủ yếu những thành phần được đào tạo và bị đầu độc bằng chủ nghĩa Stalin-Mao với đầu óc thiển cận hẹp hòi và cá tính hung bạo. Hai là, dân chúng Việt Nam đã quá kiệt quệ và chán chường sau nhiều năm chiến tranh và đổ vỡ. Nhưng ngày nay chính nhân sự của đảng cũng đã thay đổi, văn minh hơn và cũng ít quyết tâm hơn ; trong khi đó thì nhân dân Việt Nam cũng đã dần dần hồi phục được sinh lực và ngày càng tin tưởng vào dân chủ. Như vậy diễn tiến về dân chủ là điều chắc chắn phải tới và phải tới trong tương lai gần bởi vì tương quan lực lượng ngày càng biến đổi nhanh chóng hơn theo hướng có lợi cho xã hội dân sự Việt Nam và bất lợi cho đảng cộng sản, có lợi cho tiến trình dân chủ hóa và bất lợi cho xu hướng thủ cựu trong đảng cộng sản. 

Ở vào thời điểm này, vai trò của cộng đồng người Việt hải ngoại có tầm quan trọng quyết định. Người Việt hải ngoại gồm trên hai triệu người, với gần một nửa triệu người tốt nghiệp đại học và một số thu nhập cao hơn tổng sản lượng quốc gia (GDP) của quốc nội. Cả khối người ấy nếu chỉ được thôi thúc bằng lòng thù hận thì cũng không tác động được vào trong nước và do đó không làm gì được chế độ cộng sản. Ngược lại, nếu lấy lòng yêu nước, lấy hòa giải và hòa hợp dân tộc làm tinh thần chỉ đạo và lấy thắng lợi của dân chủ làm mục tiêu tranh đấu duy nhất thì chỉ cần một phần nhỏ của khối người ấy cũng là một lực lượng đủ để thắng đảng cộng sản. Họ sẽ có khả năng và phương tiện để liên lạc đều đặn với trong nước, một mặt động viên đồng bào tham gia cuộc vận động dân chủ, mặt khác khuyến khích và phối hợp rất nhiều người dân chủ trong nước, kể cả những người dân chủ trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản hiện đã chiếm đa số nhưng chưa thành đội ngũ. Họ sẽ bảo đảm mặt trận vận động quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của thế giới. Và họ có thể nhân lên nhiều lần tác dụng của các cố gắng tranh đấu cho dân chủ ở trong nước. Người Việt hải ngoại ngày càng ý thức rằng họ vừa có vai trò của một đội tiền phong đắc lực trên mặt trận quốc tế vận vừa có tiềm năng của một hậu phương an toàn và hùng mạnh, cung cấp đầy đủ nguồn tài chính, thông tin, ý kiến và lý luận cho mặt trận quốc nội. Ý thức rằng một kết hợp dân chủ trong nước-ngoài nước có thể đánh bại đảng cộng sản dễ dàng đang càng ngày càng rõ rệt, và khi nó đã rõ rệt thì chế độ cộng sản sẽ bắt buộc phải chấp nhận tiến trình dân chủ hóa để tránh sụp đổ trong thảm khốc. 

Đấu tranh để buộc đảng cộng sản phải chấp nhận luật chơi dân chủ và bầu cử tự do như vậy là một cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ thắng lợi và sẽ thắng lợi sớm. 

Vấn đề của các lực lượng dân chủ là tập trung cố gắng để bầu cử tự do đến thật sớm và trong những điều kiện thật tốt đẹp. 

Những cuộc bầu cử tự do sẽ không thể do chính quyền cộng sản quyết định một mình và tổ chức một mình. Bầu định chế nào, bầu vào lúc nào, bầu như thế nào, những ai được quyền đi bầu và những ai được quyền ứng cử là những quyết định trên đó đối lập dân chủ Việt Nam phải có tiếng nói. 

Bầu cử tự do chỉ có thể diễn ra khi mọi quyền tự do chính trị cơ bản đã được chính thức và long trọng xác nhận và các luật lệ mâu thuẫn với các quyền tự do chính trị đã được bãi bỏ. 

Bầu cử tự do phải diễn ra trong tinh thần hòa giải dân tộc, vượt lên trên mọi hàng rào hành chính do chính quyền hiện tại tạo ra hay do hoàn cảnh mà có. Một cách cụ thể, trước khi có bầu cử mọi chính trị phạm phải được trả tự do và phục hồi quyền công dân trọn vẹn, các tiền án chính trị phải được xóa bỏ, người Việt hải ngoại cũng phải được nhìn nhận quyền bầu cử và ứng cử. 

Bầu cử tự do cũng phải được tổ chức bởi một chính quyền hội đủ điều kiện để được nhìn nhận là có khả năng đảm bảo cho bầu cử được công bằng và lương thiện. Chính quyền này sẽ hoan nghênh sự hiện diện không giới hạn của những quan sát viên quốc tế vô tư trong những cuộc bầu cử tự do. 

Những đòi hỏi trên đây dù rất khiêm tốn và rất hợp tình hợp lý nhưng chắc chắn sẽ gặp sự chống đối của chính quyền cộng sản, vì thế phải vận dụng mọi áp lực quần chúng và quốc tế trong mọi lãnh vực để buộc đảng cộng sản phải nhượng bộ và tham gia vào tiến trình dân chủ hóa. 

Chúng ta không đánh giá được sự ngoan cố của đảng cộng sản để có thể tiên liệu được lúc nào họ sẽ phải nhượng bộ và chấp nhận bầu cử tự do. Nhưng chúng ta có thể tin chắc bầu cử tự do sẽ tới trong một tương lai không xa và cần chuẩn bị để giành thắng lợi ngay từ bây giờ. 

Song song với cố gắng chuẩn bị để giành thắng lợi, các lực lượng dân chủ cũng cần chuẩn bị tâm lý để đón nhận thất bại. Một khi dân chủ và bầu cử tự do đã được chấp nhận trên nguyên tắc, chắc chắn thành phần bảo thủ còn lại trong đảng cộng sản sẽ bị vô hiệu hóa và một phần đáng kể đảng viên cộng sản, kể cả một số cơ sở của đảng cộng sản sẽ gia nhập hàng ngũ dân chủ, nhưng đảng cộng sản vẫn còn dù có thể dưới một danh xưng khác và vẫn là một chính đảng mạnh trong cuộc bầu cử. Nhờ số lượng đảng viên và sức mạnh tài chính họ vẫn có khả năng thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên nếu các lực lượng dân chủ không kết hợp nhanh chóng và vận động hữu hiệu. Nhưng ngay trong trường hợp này, đảng cộng sản, hoặc hậu thân của nó dưới một danh xưng khác, cũng không thể là một đảng cầm quyền độc đoán nữa ; chế độ dân chủ đã được thiết lập và người thắng lớn vẫn là đất nước. 

Trong đấu tranh để đòi bầu cử tự do cũng như để giành thắng lợi qua các cuộc bầu cử tự do đó, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lúc nào cũng chủ trương xóa bỏ hận thù, tôn trọng mọi người và mọi chính kiến để hợp tác với nhau và cùng nhau xây dựng tương lai Việt Nam chung. Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc này không thể bị đồng hóa với thái độ sẵn sàng cấu kết và đồng lõa với bất cứ ai. Thái độ của Tập Hợp rất minh bạch. Tập Hợp có mục tiêu và đường lối rõ ràng và Tập Hợp sẽ kiên trì theo đuổi. Tập Hợp sẽ dồn mọi cố gắng để giành thắng lợi cho mặt trận dân chủ trong bầu cử tự do. Nếu thắng, Tập Hợp sẽ cùng với các tổ chức đồng minh trong mặt trận dân chủ, và có thể cùng với cả một số tổ chức chính trị khác, chia sẻ trách nhiệm trước dân tộc. Nếu không may thắng lợi về tay những lực lượng khác lập trường, Tập Hợp sẽ tiếp tục đấu tranh trong cương vị của một đối lập đứng đắn và trách nhiệm. 

Như tất cả mọi cuộc vận động chính trị, cuộc đấu tranh này sẽ đòi hỏi nhiều thỏa hiệp. Tùy mức độ hưởng ứng nhiều hay ít mà sách lược đấu tranh để chấm dứt chế độ độc tài và thiết lập dân chủ, những chọn lựa cơ bản, cũng như chính sách chuyển tiếp trong dự án chính trị này sẽ được thực hiện toàn bộ hay một phần trong mỗi thời điểm, sớm hay muộn trong thời gian. Tinh thần của Tập Hợp là tinh thần đối thoại và hợp tác. Tập Hợp sẽ chấp nhận những thỏa hiệp, kể cả những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng sẽ không nhân nhượng trên ba lập trường căn bản : lý tưởng dân chủ đa nguyên, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, và phương thức đấu tranh bất bạo động.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét