Dân chủ tất yếu và đang đến (Tổ Quốc) (TQ 180)

“…Họ đã phải chấp nhận sự hiện diện ngày càng đông đảo của những người - chủ yếu là những thanh niên nghĩa là tương lai tức khắc của đất nước - công khai phản bác chế độ và khẳng định lập trường dân chủ. Dân chủ không chỉ tất yếu mà còn đang đến. Tất cả vấn đề chỉ là dân chủ sẽ đến như thế nào, đến nhanh hay chậm…”
Một lần nữa, lần thứ 39, chúng ta kỷ niệm ngày 30/4/1975, ngày đất nước chấm dứt nội chiến và thống nhất, một ngày lịch sử và cũng là một cơ hội lớn đã lỡ uổng.
Trừ ra trong đầu óc của những người quá tăm tối không có cuộc nội chiến nào vinh quang cả. Tất cả mọi cuộc nội chiến đều ô nhục và độc hại. Chúng đều có thể tóm lược như nhau: một dân tộc không đồng ý với nhau và thay vì thỏa hiệp đã giết nhau. Chọn nội chiến là thú nhận không thể thuyết phục vì thiếu lý luận hoặc vì thiếu lý do chính đáng. Đó là chọn thái độ thù địch và xóa bỏ tình đồng bào.
Trong bối cảnh tồi tệ đó, ngày 30/4/1975 đã là một cơ hội lý tưởng. Nội chiến đã không chấm dứt trong biển máu. Hai đạo quân trên một triệu người đã không tàn sát nhau lần cuối,
một bên đã buông súng. Đó đã là cơ hội lý tưởng để thực hiện hòa giải dân tộc để đất nước gượng dậy và vươn tới. Cơ hội này đã lỡ uổng vì những người cầm đầu phe chiến thắng - cũng là những người chủ trương nội chiến đến cùng - đã coi nội chiến là vinh quang và thần thánh thay vì ô nhục và độc hại. Họ đã đặt chủ nghĩa lên trên đất nước và đã đối xử với miền Nam như một lực lượng chiếm đóng. Sau đó, khi đã khiến toàn dân bất mãn và phẫn nộ họ đã mở rộng chính sách chiếm đóng và cướp bóc ra cả nước. Thành tích của họ là thần phục ngoại bang nhưng hung bạo với đồng bào, để mất đất, mất đảo, mất biển, và khiến Việt Nam tụt hậu thê thảm về mọi mặt so với thế giới.
Tuy vậy đất nước không tuyệt vọng. Tiềm năng dân tộc, con người cũng như tài nguyên thiên nhiên, còn rất lớn và chỉ chờ đợi để được vận dụng một cách hợp lý. Chúng ta sẽ vươn lên mạnh mẽ nếu rũ bỏ được ách độc tài này. Chúng ta cũng đang đứng trước một vận hội lớn. Đất nước đã thay đổi nhiều, lôi kéo bởi một thế giới thay đổi dồn dập hàng ngày, và đã chín muồi cho một thay đổi chế độ.
Nhân sự chính trị đang đổi mới. Thế hệ trước 1975 đang ra đi, một thế hệ mới đang nhập cuộc. Một lớp trí thức chính trị, mà thực ra chúng ta chưa hề có trong suốt dòng lịch sử, đang hình thành. Các tiến bộ về truyền thông đã mở ra cả một không gian tự do cho thông tin, ý kiến và thảo luận trên mạng toàn cầu Internet. Không gian tự do này ngày càng bao trùm và đang tiêu hóa nhanh chóng không gian vật chất mà những người cầm quyền -vì tăm tối- vẫn còn cố duy trì.
Cố gắng tuyệt vọng vì lầm thời đại. Sự bối rối đã thấy rõ. Chế độ đã phải chấp nhận những nhượng bộ chưa từng thấy. Họ đã phải trả tự do cho những người dân chủ, như Vi Đức Hồi, không những không nhận tội và xin khoan hồng mà còn dõng dạc tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh. Họ đã phải chấp nhận sự hiện diện ngày càng đông đảo của những người - chủ yếu là những thanh niên nghĩa là tương lai tức khắc của đất nước - công khai phản bác chế độ và khẳng định lập trường dân chủ. Dân chủ không chỉ tất yếu mà còn đang đến. Tất cả vấn đề chỉ là dân chủ sẽ đến như thế nào, đến nhanh hay chậm, đến trong sự hỗn loạn của căm thù bùng nổ hay trong hòa bình và trật tự của tình anh em tìm lại.
Kỷ niệm ngày 30/4/1975 là dịp để nhận định rằng chúng ta đang sống trong một khúc quanh lịch sử trọng đại đòi hỏi quyết tâm, sáng suốt và trách nhiệm. Để đừng lẫn lộn manh động với hành động và đừng bị đánh lạc hướng khỏi những cố gắng nghiêm túc và có tổ chức. Để đúng hẹn với lịch sử.
Ban biên tập Tổ Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét